Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, nâng cao chất lượng môi trường ở Việt Nam được quy định như thế nào?


 

Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn khí thải múc 5 (EURO) từ ngày 1/ 01/ 2022 với mong muốn quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm phát thải chất gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

Liên quan đến nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát phát thải chất gây ô nhiễm môi trường không khí từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải xác định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà chủ yếu là xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy là một trong những nguồn chính phát thải khí như: ôxit cácbon (CO), hyđrô cácbon (HC), ôxít nitơ NOx, bụi thải (PM) và các độc tố có trong nhiên liệu như benzen ... gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm không khí đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng các chính sách, thực hiện việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đồng bộ từ khâu sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới, đến kiểm soát khí thải phương tiện đang lưu hành, góp phần đáng kể trong việc cải thiện chất lượng không khí.

Trong đó, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới được thực hiện từ năm 2007 theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới áp dụng tiêu chuẩn khí thải tương đương mức Euro 2 kể từ 1/1/2007.
Quá trình thực hiện, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã dần đi vào nền nếp; cơ bản đã thực hiện được mục tiêu tạo hàng rào kỹ thuật ngăn ngừa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lạc hậu, có mức phát thải cao, gây ô nhiễm môi trường đưa vào nước ta.

Từ 1/1/2017, xe mô tô hai bánh đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3; xe ô tô chạy bằng nhiên liệu xăng và các loại nhiên liệu khác ngoài diezel (NG, LPG…) đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4; Từ 1/1/2018,xe ô tô chạy bằng nhiên liệu diezel đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức Euro 4; Từ 1/1/2022, ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới sẽ áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Tiêu chuẩn khí thải mức 3, 4, 5 là các mức tiêu chuẩn tương đương với mức tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4 và Euro 5 của châu Âu).
“Như vậy, so sánh với các nước trong khối ASEAN, chỉ có Singapore đã áp dụng mức Euro 6 từ năm 2017; Thái Lan trước đây đưa ra lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức Euro 5 từ năm 2022, Indonesia từ năm 2023, tuy nhiên trong các báo cáo đưa ra tại Hội nghị hài hòa tiêu chuẩn khu vực mới đây, Thái Lan và Indonesia đã lùi lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 và chưa công bố thời điểm sẽ xem xét áp dụng lại.

Việc Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 từ ngày 1/1/2022 chứng tỏ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm phát thải chất gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân”, ông Trần Ánh Dương thông tin.
Về nội dung kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã qua sử dụng nhập khẩu, Vụ trưởng Vụ Môi trường Trần Ánh Dương cho hay, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã qua sử dụng nhập khẩu ở nước ta được thực hiện đối với xe ô tô kể từ năm 2006 theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Quá trình thực hiện, cơ bản đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện trong việc bảo dưỡng, sửa chữa duy trì tình trạng kỹ thuật giảm phát thải chất gây ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác sử dụng.

Triển khai Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy định về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô tham gia giao thông; nâng cao năng lực trình độ, trang thiết bị của các đơn vị đăng kiểm.

Cập nhật các mức tiêu khí thải và lộ trình áp dụng vào quy trình kiểm tra; tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp nhập khẩu, chủ xe ô tô, người lái xe ô tô về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn; tổ chức, huy động các nguồn lực để nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng công nghệ xử lý khí thải nhằm xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và nâng cao hiệu quả quản lý phát thải chất gây ô nhiễm từ xe cơ giới tham gia giao thông.

Thời điểm hiện tại, việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu đã được Bộ Giao thông Vận tải thực hiện theo đúng quy định.

Về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, ông Trần Ánh Dương cho biết, xe mô tô, xe gắn máy là loại phương tiện có tốc độ tăng trưởng nhanh, số lượng lớn; do đặc thù sử dụng, xe mô tô, xe gắn máy đã trở thành một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là các đô thị lớn; việc kiểm soát hoạt động cũng như kiểm soát khí thải của xe mô tô, xe gắn máy đã, đang trở thành mối quan tâm của chính quyền các thành phố đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy định về việc kiểm soát khí thải đối với xe mô tô tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Tuy nhiên việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông cần gắn với quy định về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; nội dung này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa nội dung này vào dự thảo Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Trên cơ sở quy định của Luật, Bộ Giao thông vận tải sẽ xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nhu cầu có một hệ thống giao thông vận tải văn minh, thuận tiện, an toàn với chi phí thấp luôn là mong muốn của các quốc gia. Với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt tại các đô thị ở nước ta đã đặt ra yêu cầu cấp bách về kiểm soát khí thải phương tiện giao thong cơ giới đường bộ góp, phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
“Tuy nhiên, để hài hòa các mặt lợi ích xã hội, việc đặt ra lộ kiểm soát khí thải trong giao thông vận tải còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế, tập quán, thói quen của người tham gia giao thông. Chúng ta mong muốn ngày càng có nhiều những con đường Xanh, an toàn, sạch đẹp; những tuyến phố văn minh, thanh bình không có ô nhiễm không khí thì cần có sự nỗ lực vượt bậc, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ của cộng đồng trong việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam chia sẻ.

Theo Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát môi trường không khí, trong đó yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường; tổ chức thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải…



Liên hệ 24/7