Dung dịch Coolant

Khi nói đến coolant, cũng gọi là Anti-freeze, chúng ta thường chỉ nghĩ đến một công dụng, đó là giải nhiệt (làm mát máy). Nhưng không phải chỉ có thế, coolant còn có một nhiệm vụ khác là chống ăn mòn (corrosion inhibitor).


Nước giải nhiệt coolant: Đây không hẳn là nước, nhưng là một chất lỏng đặc biệt chứa các hoá chất , có khả năng chịu lạnh rất cao mà không đông thành đá, nên cũng được gọi là Anti-Freeze (chống đông) và chịu được nhiệt độ nóng trên 100ºC mà không bị sôi . Nước giải nhiệt Coolant được chứa trong một cái bình gọi là két nước, và xuất phát từ đó để ra đi làm nhiệm vụ, rồi lại quay trở về két nước theo một vòng tròn khép kín. Nước giải nhiệt coolant có thể chảy rò ra ngoài, xuyên qua những lỗ hổng, hoặc rỉ sét ở đâu đó trong hệ thống, và hao ngót dần đi, đến một lúc không còn đủ số lượng để bao quát nhiệm vụ giải nhiệt trong đầu máy nữa. Khi đó, đầu máy sẽ nóng vượt lên, rơi vào tình trạng nóng máy quá mức.

Để khỏi đối mặt với hoàn cảnh bất ngờ do coolant rò đi đâu hết mà không biết, chúng ta cần thường xuyên kiểm tra két nước (Radiator) để xem mực nước có luôn luôn đầy lên tới miệng không. Nếu không thì chắc chắn đã có rò rỉ ở đâu đó, bởi vì coolant thường không hao ngót trong vòng tròn khép kín. Tức thời, bạn cần phải tiếp thêm nước giải nhiệt coolant cho đầy, rồi quan sát tìm chỗ rò rỉ. Một dấu chỉ cho thấy coolant rò rỉ là những vết ướt ở các bộ phận đầu máy, hoặc vũng chất lỏng đọng trên sân, dưới gầm xe. Cần phải nhanh chóng tìm ra nơi rò rỉ và chỉnh lại ngay. Bằng không, phải đưa xe ra thợ máy.

Ngoài ra, dung dịch coolant còn có khả năng chống rỉ, chống mòn, coolant sẽ làm hại tất cả những bề mặt kim loại mà luồng coolant chảy qua. Ngoài đường lưu thông được đúc xuyên qua lốc máy, coolant còn có ảnh hưởng tới những bộ phận sau đây: Két nước (Radiator), máy sưởi (Heater) và máy bơm (water pump). Không nói gì tới máy, những bộ phận này mà hư chắc chắn cũng gây cho chủ xe những cơn nhức đầu không nhỏ.

Tất cả các loại coolant hiện bán trên thị trường đều có chứa đủ hóa chất chống ăn mòn để bảo vệ các bề mặt kim loại mà dòng coolant chạy qua. Trên thị trường hiện nay, có 3 màu chính để phân biệt coolant:

1. IAT màu xanh (green)

Màu xanh (green) là màu tiêu chuẩn của loại coolant chế biến theo kỹ thuật Inorganic Acid Technology (IAT), mà hầu như tất cả các loại xe lưu hành ở Hoa Kỳ và Canada đều sử dụng cho đến giữa thập niên 1990. Loại coolant này có chứa các hóa chất chống mòn (silicate và phosphate) để bảo vệ đầu máy đúc bằng sắt, đầu máy hỗn hợp sắt nhôm, các bộ phận bằng đồng và nhôm trong khoảng 2 tới 3 năm hoặc sau 30,000 dặm. Sau đó dù bình coolant xem ra còn đầy, nhưng hóa chất đã hết hơi, không còn tác dụng chống mòn, chống rỉ hiệu quả nữa. Ðó là lúc chủ xe phải thay mới coolant để hạn chế tiến trình hao mòn cho bộ phận máy. Loại coolant này chủ yếu được sử dụng cho các loại xe cũ (từ đời 1996 trở về trước). Tuy nhiên, với các đời xe mới hơn về sau này, dù xe Mỹ, xe Nhật, hay xe Âu Châu, chúng ta vẫn có thể dùng coolant xanh, miễn là mỗi lần thay coolant là phải súc bình cho sạch và thay bằng coolant hoàn toàn mới.

2. OAT màu cam (orange)

Loại này được gọi là Long Life Coolant (coolant sống lâu) hoặc Extended Life Coolant (coolant sống thêm) là vì nó có thể phục vụ tới 5 năm hoặc 150,000 dăm. Ðược sử dụng cho các loại xe ở Châu Âu trước khi được hãng General Motors cải biến kỹ thuật vào năm 1996 tại Hoa Kỳ. “Coolant sống lâu” có màu cam, được hãng GM đặt tên lại là Dex-Cool, sản xuất theo kỹ thuật Organic Acid Technology (OAT). Loại Coolant này, không chứa Silicate và Phosphate, nhưng sử dụng Sebacate, 2-ethylhexanoic acid (2-EHA) và một số loại acid hữu cơ khác làm chất chống mòn. Hóa chất chống mòn trong “coolant sống thêm” phát tác chậm hơn coolant màu xanh nói trên, nhưng tuổi thọ bền hơn. Sau 5 năm hoặc 150,000 dặm, hóa chất chống mòn mới hết tác dụng và coolant cần được thay mới. Ngoài các sản phẩm của hãng General Motors, coolant OAT cũng được dùng cho xe Mercury Cougar, Saabs... Sau này, có một loại coolant khác cũng theo công thức tương tự, nhưng lại pha màu hồng (pink) được dùng cho Audi đời mới, Volkswagen; và màu xanh đậm dùng cho xe Honda.

3. HOAT tổng hợp

Loại coolant tổng hợp được chế biến theo kỹ thuật Hybrid Organic Acid Technology (HOAT), pha trộn đặc điểm của cả 2 loại trên để vừa có tính chống mòn hiệu quả, vừa phục vụ được lâu dài. HOAT có thể pha với Silicate để chống mòn, bảo vệ các bộ phận nhôm trong đầu máy, két nước, máy sưởi, và máy bơm. Loại coolant này dùng với các loại xe Daimler Chrysler từ đời 2001 về sau, xe Fords từ đời 2002 về sau, xe Mercedes, BMW, Volvo và Mini Coopers từ đời 1985 về sau. Còn các loại xe Châu Á như Toyota, Honda, Nissan, Kia, Hyundai... thì dùng coolant HOAT pha với Phosphate. Coolant HOAT tổng hợp có thể phục vụ 150,000 dặm hoặc 5 năm.

4. Coolant màu vàng phổ quát (universal)

Đây là loại coolant phổ quát (universal), nghĩa là có thể dùng cho tất cả mọi loại xe, và có thể thay đổi dù trước đó xe có chạy bằng thứ coolant nào khác. Loại Coolant phổ quát này có màu vàng, hoặc màu amber (vàng cam), sử dụng các hóa chất chống mòn theo kỹ thuật OAT, tổng hợp với một số Acid Organic thích hợp để có thể bảo vệ bao quát được tất cả mọi loại xe.

Dùng coolant nào là tốt nhất? Về phần chúng ta, những người lái xe trong giới bình dân, vấn đề chỉ đọng lại trong một câu hỏi: Nên dùng loại coolant nào? Thứ nào là tốt nhất? Câu trả lời đơn giản nhất là cứ theo yêu cầu của nhà sản xuất. Ðọc cẩm nang bảo trì, xem nhà sản xuất đòi hỏi chúng ta dùng thứ Coolant nào. Thí dụ: Cẩm nang của xe Ford xác định rõ là phải dùng Coolant của Ford Motor Company. Nếu cẩm nang bảo trì không nói rõ, chẳng hạn cẩm nang bảo trì của Toyota khuyên dùng Toyota Long Life Coolant, hoặc “một loại tương đương”  thì chúng ta có thể yên trí dùng Universal Coolant nếu không kiếm ra Toyota Long Life Coolant.

Quan trọng hơn cả là công tác bảo trì: Nếu mua được một cái xe second-hand, điều đầu tiên là nên thay toàn bộ dầu nhớt để bắt đầu một chu kỳ bảo trì mới. Nếu không được bảo đảm rằng loại coolant dùng trong trong xe có thể phục vụ 5 năm hay 150,000 dặm, thì nên thay thế ngay sau khi xe đã đi 30,000 dặm hoặc sau 3 năm.

Làm sao biết Coolant xuống thấp?

Nếu phát hiện thiếu nước do những lụm khói bốc lên trước mặt trong khi lái xe, và kim chỉ nhiệt vượt cao hơn bình thường đó chính là biểu hiện của hậu quả do xe thiếu nước đã từ lâu. Chờ đến lúc đó mới phát hiện thì cái xe không còn mấy thời gian để ở lại phục vụ, bởi vì nó đã bị nóng máy quá sức.
Thiếu nước cũng có thể biểu hiện qua hệ thống đèn báo. Nếu hệ thống đèn báo còn tốt, tài xế sẽ nhận được dấu hiệu qua một ngọn đèn sáng lên ngay trước mặt mình để kịp thời ứng biến. Tuy nhiên, nếu đèn báo không “lên tiếng” vì một trục trặc riêng nào đó, bạn sẽ không hề hay biết về một mối hiểm nguy đang chực chờ nổ tung dưới đầu máy xe.
Tốt hơn cả, chúng ta cần phải chủ động để kiểm tra: Chỉ cần tập thói quen lật nắp đậy đầu máy lên, mỗi tháng ít là một lần, là chúng ta có thể kiểm soát được tới 65% hoạt động của cái xe rồi. Công việc trọng yếu ấy chỉ là sự kiểm tra dầu nhớt mà thôi.
Riêng về nước giải nhiệt Coolant, bạn có thể kiểm tra qua mực nước trong bình chứa phụ (gọi là Reservoir, overflow tank hoặc expansion tank). Đây là một bình bằng nhựa trong, gắn bên cạnh và thông với két nước chính bằng một cái vòi nối, thông thường ít khi được chúng ta quan tâm. Bình nước phụ này luôn luôn phải có đủ Coolant tới mức yêu cầu như được ghi rõ trên bình. Nếu mực nước Coolant trong bình chỉ còn rất thấp, không lên tới vạch Full, hoặc thậm chí cạn khô, thì đó là dấu chỉ cho thấy Coolant không đủ cho hệ thống.
Vai trò của bình nước phụ?
Khi đầu máy vận hành, dòng nước Coolant sẽ nóng lên, làm tăng áp suất trong Radiator và đẩy một ít nước Coolant ra ngoài. Nhờ vòi thông với bình phụ, số nước này sẽ chảy vào đây, để chờ khi áp suất xuống thấp sẽ được hút trở về bình chính. Nếu không có bình phụ gắn ở đó, số nước trào ra sẽ rơi xuống đất, mất đi gây tình trạng thiếu nước trong hệ thống. Thêm nữa, bình phụ còn giúp giải tỏa những bọt khí, giúp dòng nước coolant chịu đựng được một áp suất cao hơn.
Khi vô tình nhận ra bình phụ cạn nước hoặc thiếu nước, thì chủ xe cần phải chế thêm vào ngay trước khi để cho tình trạng ấy dắt tới những hậu quả tồi tệ hơn

Có thể đổ nước thường thay  Coolant được không?
Xin trả lời ngay một câu dứt khoát: Không! Bởi vì, nước thường không mang đủ tố chất cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi của một môi trường làm việc cực kỳ khắc nghiệt của động cơ, chẳng hạn
Nước thường không đủ sức chịu nhiệt, sôi và bốc hơi ngay ở 100 độ C, trong khi nước giải nhiệt Coolant có thể chịu đựng sức nóng cao hơn mà vẫn duy trì được không bị bay hơi
Nước thường không đủ độ nhờn để làm trơn các bộ phận đầu máy
Nước thường có thể làm cho các bộ phận đầu máy bị rỉ sét..
Nguyên nhân máy xe nóng: Hệ giải nhiệt trục trặc
Máy xe quá nóng, vượt trên mức chịu đựng của hệ thống là một hiện tượng đáng lo ngại. Một khi nó đã xảy ra thì chẳng ai có thể làm gì để cứu vãn, ngay cả những tay thợ tài giỏi, chỉ còn một cách là thay thế bằng một đầu máy mới mà thôi. Nhưng để ngăn cho nó đừng đi đến chỗ “tận cùng bằng số” như vậy thì chủ xe nào cũng có thể làm được, nếu để ý tới hai nguyên nhân chính sau đây: Hệ thống nhớt và hệ thống giải nhiệt. 
Cấu tạo hệ giải nhiệt
Hệ giải nhiệt thường được gọi bằng một cái tên bình dân: Nước giải nhiệt Coolant. Nhưng nước coolant không phải là tất cả, nó chỉ là một thành phần mà thôi. Dĩ nhiên, nước coolant là một thành phần cụ thể và thiết yếu nhất. Ngoài nó ra, hệ giải nhiệt còn nhiều thành phần khác, mà bất cứ thứ nào không hoạt động đúng chức năng cũng có thể đưa đến tình trạng máy xe Overheat. Sau đây là các thành phần cấu tạo:
1. Nước Coolant:
2. Điều nhiệt kế (thermostat)….
3. Radiator (két nước):
4. Hệ thống ống dẫn (Hoses)
5. Quạt và dây kéo quạt
6. Máy bơm (water pump)
Liên hệ 24/7