Khí thải từ động cơ xe đang "đầu độc" con người hàng ngày

Khí thải từ hoạt động giao thông của các phương tiện cơ giới trên đường được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chất lượng không khí giảm sút, gây nguy hại trực tiếp tới sức khỏe con người hiện nay.


Theo phân tích của nhóm nhà khoa học Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải, các chất độc hại có trong khí thải xe, bụi đường trong hoạt động giao thông là nguyên nhân số một gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, là tác nhân lớn nhất dẫn đến gánh nặng bệnh tật có nguồn gốc từ môi trường lên sức khỏe con người, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Tháng 8/2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đã công bố, trong cơ cấu 5 bệnh tật của Việt Nam thì bệnh về đường hô hấp chiếm tỷ lệ cao nhất (31%) và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 sau các bệnh hệ tuần hoàn.

Cũng theo WHO, 25% số ca tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam là do tác hại của môi trường ô nhiễm. Cơ sở này càng được khẳng định khi thống kê của các Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho thấy, số ca trẻ em mắc các bệnh  liên quan đến đường hô hấp và bệnh phổi đang gia tăng nhanh từ 30-40% so với 3 năm trước đây, đồng thời tăng cả số lượng bệnh nhi phải nhập viện điều trị các bệnh lý nặng về hô hấp. Những ca này chiếm từ 45% - 50%  tổng số ca bệnh nhi điều trị nội trú.

Về vấn đề này, BS. Huỳnh Tấn Tiến, Chủ tịch Hội Y học dự phòng TP. Hồ Chí Minh cho biết, khí thải từ xăng dầu và bụi bặm do xe cơ giới gây ra ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp của người dân. Nếu người già, trẻ em đang mắc các bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh hen suyễn... khi hít phải nhiều khí thải độc hại từ hoạt động giao thông dễ có nguy cơ làm bệnh bùng phát, thậm chí tử vong do chít hẹp đường thở nếu không có thuốc cắt cơn hoặc không được cấp cứu kịp thời.

Cũng theo BS. Tiến, các nghiên cứu gần đây còn cho thấy, tiếp xúc với khói xe trong thời gian dài còn làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng của mắt, về lâu dài có thể gây mù lòa do võng mạc bị ảnh hưởng, hiện bệnh này chưa có cách chữa trị, chỉ có thể phòng ngừa. BS. Tiến nói thêm, trong khí thải xăng dầu còn có những chất rất độc, có thể gây ung thư hoặc gây kích thích như: Benzen, Acid H2S, CO, Cacbon... Một số chất độc khác còn có thể ngấm vào máu gây ảnh hưởng đến toàn cơ thể.

Những loại khí độc hại có trong khí thải động cơ xe?

Với việc sử dụng động cơ xăng hoặc động cơ diesel thì sau khi khởi động, hệ thống xả của xe cũng sẽ thải ra một loạt các loại khí độc hại ra môi trường.

Tạp chất dạng hạt (Particulate Matter - PM)

Những tạp chất dạng hạt nhỏ li ti chủ yếu được sinh ra bởi động cơ diesel. Động cơ xăng cũng sinh ra những tạp chất thể rắn nhưng với hàm lượng rất ít.

Các loại tạp chất này dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp vì chúng có khả năng di chuyển hàng trăm km và tồn tại hàng tuần liền.

Đặc biệt là các tạp chất dạng hạt PM 2.5 (đường kính hạt bụi nhỏ hơn 2.5 micron) có thể xâm nhập vào tận phổi hoặc mạch máu gây ra rất nhiều các bệnh nguy hiểm như: thuyên giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, triệu chứng về đường hô hấp, rối loạn nhịp tim.

Khí CO

CO là khí độc không màu, không mùi được tạo nên trong quá trình đốt cháy nhiên liệu. Loại khí này làm giảm khả năng lưu thông oxy đến não, tim và các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể. Hít phải khí CO sẽ gây chóng mặt, buồn nôn. Khi tiếp xúc với lượng lớn CO trong một thời gian dài, người tiếp xúc có thể sẽ mắc các bệnh về tim.

Ngoài ra, CO còn kết hợp với một số các chất khác sẽ tạo ra khí ozone gây thuyên giảm chức năng phổi và dẫn đến các bệnh về đường hô hấp.

Khí CO2

CO2 là một loại khí rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. CO2 giúp cây cối phát triển, là nguyên liệu trong quá trình quang hợp của cây xanh nhằm tạo ra Oxy. CO2 còn có khả năng giữ ấm cho trái đất, giảm độ nóng của ánh năng mặt trời.

Thế nhưng, hiện con người đang tạo ra quá nhiều CO2. Lượng khí CO2 khi không được hấp thu hết sẽ tan vào bầu khí quyển, và với khả năng giữ ấm trái đất, sẽ gây ra hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên. Hậu quả là thời tiết thay đổi bất thường theo chiều hướng tiêu cực, mực nước biển dâng do băng ở 2 cực tan dần.

Mặc dù các nhà sản xuất xe đã và đang áp dụng những công nghệ tân tiến nhất nhằm giảm tối đa lượng CO2 thải ra nhưng những chiếc xe được coi là “sạch” nhất cũng thải ra gần 100g/ km.

Khí NOx

Khí NOx là hỗn hợp khí gồm NO (nitrogen oxide) và NO2 (nitrogen dioxide). Hỗn hợp khí NOx có tác hại xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người có tiền sử về bệnh hô hấp.

Ngoài ra, hỗn hợp khí NOx cũng kết hợp với một số chất khác trong không khí tạo ra khí ozone và các loại tạp chất dạng hạt.

Khí NOx cũng được biết đến với nguyên nhân gây ra mưa acid gây hại cho cây cối và đất đai.

Hydrocarbons và các loại chất thải khác

Ngoài NOx, CO, CO2 và các loại tạp chất dạng hạt, động cơ ô tô còn sinh ra một lượng lớn hỗn hợp khí hydrocarbon bao gồm benzene và issoctane. Các loại động cơ xăng dầu sẽ sản sinh ra lượng khí hydrocarbons lớn hơn so với các loại động cơ diesel tương đương.

Theo các nghiên cứu y khoa, benzene được phát hiện gây cản trở quá trình sản xuất máu và gây ra bệnh thiếu máu. Ngoài ra, benzene còn được coi là một trong những nguyên nhân gây ung thư và còn có thể gây ra bệnh bạch cầu.

Một số loại khí trong hỗn hợp hydrocarbons còn có thể kết hợp với khí NOx để tạo ra khí ozone, gây ra các bệnh về đường hô hấp, phổi…

Liên hệ 24/7